Eden Rose Urban Area, Thanh Liet, Hanoi info@ivlf-advisors.com

Legal Updates & News

Trợ Cấp Thôi Việc, Người Lao Động Nhất Định Phải Quan Tâm?

Trợ Cấp Thôi Việc, Người Lao Động Nhất Định Phải Quan Tâm?

Trước làn sóng kinh tế thế giới và trong nước đầy biến động và suy thoái, khiến nhiều doanh nghiệp gặp nhiều thách thức trong công tác giữ chân nhân sự cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi không thể giữ chân được nhân sự làm việc cho doanh nghiệp tại thời điểm này, doanh nghiệp đã áp dụng và thực hiện các cơ chế cần thiết để cắt giảm nhân sự của mình thông qua các quy định pháp luật hiện hành được thể chế trong Bộ Luật Lao Động 2019, và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Điều đáng tiếc thay, mặc dù đã áp dụng các cơ chế cắt giảm nhân sự phù hợp với quy định pháp luật, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn đang bỏ sót hoặc đã bỏ sót một số phúc lợi cho người lao động sau khi cắt giảm nhân sự, cụ thể là khoản tiền trợ cấp thôi việc và các khoản tiền khác mà người lao động đương nhiên được hưởng. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung làm rõ khoản tiền trợ cấp thôi việc dành cho người lao động nước ngoài khi không còn là người lao động của doanh nghiệp.

Điều Kiện Để Hưởng Trợ Cấp Thôi Việc?

Người lao động được hưởng tiền trợ cấp thôi việc theo luật khi đáp ứng các điều kiện sau, trừ các trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo luật định: (i) người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ mười hai (12) tháng trở lên và (ii) Hợp đồng lao động đã được chấm dứt theo các quy định được trình bày dưới đây.

Có thể nói, Bộ Luật Lao Động 2019 đã tạo điều kiện cho người lao động được hưởng một khoản tiền trợ cấp thôi việc khi kết thúc quan hệ lao động với doanh nghiệp và cũng để người lao động có thể chuẩn bị và duy trì mức sống “ổn định” trước khi tìm được một công việc mới phù hợp.

Đối với người lao động Việt Nam, có một chút thiệt thòi là họ sẽ có thể không được hưởng khoản tiền trợ cấp thôi việc này sau khi họ nghỉ việc tại doanh nghiệp do là họ đã có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp bằng với thời gian người lao động làm việc thực tế cho doanh nghiệp. Thay vào đó, họ sẽ được hưởng một khoản tiền khác đến từ (i) trợ cấp mất việc làm do doanh nghiệp tự chi trả hoặc (ii) trợ cấp thất nghiệp khi người lao động làm thủ tục với Trung Tâm Hỗ Trợ Việc Làm địa phương.

Đối với người lao động nước ngoài, họ không thuộc trường hợp phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nên thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của họ bằng không. Do đó, thời gian làm việc thực tế của họ không tính cả thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên họ sẽ được doanh nghiệp chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho tổng thời gian làm việc thực tế của người lao động tại doanh nghiệp.

Tiền Trợ Cấp Thôi Việc Được Tính Như Thế Nào?

Khi người lao động làm việc đủ cho doanh nghiệp từ đủ một (1) năm liên tục trở lên, thì người lao động sẽ được hưởng một phần hai (1/2) tháng tiền lương. Tiền lương để tính tiền trợ cấp thôi việc được dựa trên tiền lương trung bình của sáu (6) tháng liền kề mà doanh nghiệp đã trả cho người lao động trước khi người lao động thôi việc.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp chỉ thanh toán tiền trợ cấp thôi việc dựa trên mức lương đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mặt khác, tiền lương theo quy định bao gồm cả mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Nếu chỉ dựa vào mức lương không thôi để làm căn cứ trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, người lao động càng trở nên thiệt thòi hơn bao giờ hết.

Trường Hợp Nào Người Lao Động Được Hưởng Trợ Cấp Thôi Việc?

Bộ Luật Lao Động 2019 quy định các trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:

  • Hợp đồng lao động hết hạn;
  • Đã hoàn thành công việc theo Hợp đồng lao động;
  • Hai bên thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động;
  • Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo qui định, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong Hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
  • Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;
  • Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; hoặc
  • Người lao động hoặc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo quyđịnh.

Ngoài những trường hợp kể trên, người lao động nước ngoài sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc theo quy định. Cho dù vậy, doanh nghiệp cũng cần xem xét các trường hợp người lao động có được hưởng tiền trợ cấp thôi việc hay không cho người lao động trước khi kết thúc quan hệ lao động với họ. Trường hợp mà người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thôi việc, nhưng doanh nghiệp vẫn có ý định chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động thì đây là một điểm rất nhân văn và đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc mà không phù hợp hoặc cao hơn mức luật định, có thể khiến người lao động phải chịu thuế thu nhập cá nhân đối với phần trợ cấp thôi việc không phù hợp hoặc phần chênh lệch giữa mức cao hơn với mức luật định.

Nguyên Nhân Dẫn Đến Tình Trạng Doanh Nghiệp Không Chi Trả Trợ Cấp Thôi Việc Cho Người Lao Động?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, xuất phát từ việc doanh nghiệp đã gài điều khoản “tiền lương hàng tháng đã bao gồm cả tiền trợ cấp thôi việc” trong Hợp đồng lao động, dẫn đến việc doanh nghiệp trốn tránh việc chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động và cũng để “đánh lừa” sự thiếu hiểu biết và am hiểu pháp luật của người lao động nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng về chi phí khi giảm tải được một khoản tiền “vô cùng lớn” phải trả cho người lao động.

Thực tế việc quy định như trên dưới góc nhìn của những người làm luật chưa đảm bảo liệu rằng doanh nghiệp có thể thoát được nghĩa vụ phải chi trả tiền trợ cấp cho người lao động hay không. Có một thực tế và quy định pháp luật rằng trách nhiệm của doanh nghiệp mà chi trả trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động khi đáp ứng các điều kiện luật định là điều bắt buộc và khoản tiền trợ cấp thôi việc là quyền lợi chính đáng của người lao động đương nhiên được hưởng.

Do vậy, nếu người lao động muốn đòi tiền trợ cấp thôi việc này, có thể doanh nghiệp sẽ là người chịu thiệt nhiều nhất khi phải gánh chịu nhiều hậu quả pháp lý do việc “tránh né” chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động nước ngoài, bao gồm cả bị xử phạt vi phạm hành từ 2-40 triệu đồng tuỳ mức độ vi phạm ngoài việc phải chi trả tiền trợ cấp thôi việc và lãi trên số tiền chậm thanh toán.

Cuối cùng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động kiểm tra, rà soát các nghĩa vụ, quyền lợi cần thiết cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là tiền trợ cấp thôi việc để giải quyết dứt điểm cho người lao động, tránh xảy ra các trường hợp khiếu nại tốn kém thời gian và tiền bạc không đáng có.

Nếu có bất kỳ nội dung nào cần trao đổi thêm, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua finnnguyen@ivlf-lawyer.com hoặc www.ivlf-lawyer.com

86 / 100
  • Related Tags:

Leave a comment