Dẫn Nhập:
Hiện nay có nhiều phương thức giải quyết tranh chấp lao động được người lao động áp dụng trên thực tế, đặc biệt là giải quyết các tranh chấp theo hình thức khiếu nại, tố cáo đến Sở Lao Động, Thương Binh, và Xã Hội, cụ thể là Chánh Thanh Tra Lao Động, đang trở nên được quan tâm và phổ biến hơn bao giờ hết.
Lý do để người lao động thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đến Chánh Thanh Tra Lao Động là vì việc thực hiện khiếu nại lao động được giải quyết nhanh chóng, trình tự thủ tục giải quyết hiệu quả hơn so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác tại các cơ quan giải quyết tranh chấp khác như toà án, trọng tài lao động, và cũng mang đến “sức ép” cho doanh nghiệp, buộc họ phải giải quyết thoả đáng quyền lợi cho người lao động khi có quyết định giải quyết khiếu nại lao động của Chánh Thanh Tra Lao Động.
Bài viết dưới đây tập trung vào việc quy trình trình tự thực hiện việc khiếu nại tại Chánh Thanh Tra Lao Động và những vướng mắc khi thực hiện việc khiếu nại lao động tại Chánh Thanh Tra Lao Động.
Khiếu Nại Lao Động Tại Chánh Thanh Tra Lao Động Được Thực Hiện Như Thế Nào?
Trước tiên để thực hiện được việc khiếu nại lao động tại Chánh Thanh Tra Lao Động, người lao động phải trải qua việc khiếu nại lao động lần đầu tại doanh nghiệp chủ quản. Nếu doanh nghiệp chủ quản không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, người lao động mới được quyền khiếu nại lao động lần tiếp theo đến Chánh Thanh Tra Lao Động.
Trên thực tế, có thực trạng một số người lao động được tham vấn trên các diễn đàn về nhân sự và được tư vấn nộp đơn khiếu nại lao động cho Chánh Thanh Tra Lao Động. Tuy nhiên, Chánh Thanh Tra Lao Động khi tiếp nhận đơn khiếu nại sẽ yêu cầu người lao động quay trở về khiếu nại với doanh nghiệp chủ quản. Sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp chủ quản, Chánh Thanh Tra Lao Động mới tiếp tục giải quyết khiếu nại cho người lao động.
Giải Quyết Khiếu Nại Lao Động Tại Doanh Nghiệp Chủ Quản Thực Hiện Như Thế Nào?
Người lao động có một khoảng thời gian 180 ngày (tương đương sáu (6) tháng) kể từ thời điểm họ nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của doanh nghiệp chủ quản, để thực hiện quyền khiếu nại đến doanh nghiệp chủ quản. Một khi nộp đơn khiếu nại cho doanh nghiệp chủ quản, doanh nghiệp chủ quản sẽ có thời hạn bảy (7) ngày làm việc để thụ lý khiếu nại, và sẽ có thời hạn giải quyết khiếu nại từ 30 – 45 ngày tiếp theo để ra quyết định giải quyết khiếu nại cho người lao động (“Quyết Định Giải Quyết”).
Mặc dù vậy, sẽ có một số doanh nghiệp sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại của người lao động, họ sẽ nhanh chóng ra Quyết Định Giải Quyết cho người lao động (dù là kết quả có thoả đáng hay không thoả đáng cho người lao động), một số doanh nghiệp khác sẽ “bơ” việc giải quyết khiếu nại cho người lao động và không ra bất kỳ Quyết Định Giải Quyết nào cho người lao động.
Như trình bày ở trên, nếu Quyết Định Giải Quyết là thoả đáng cho người lao động thì việc khiếu nại tại Chánh Thanh Tra Lao Động sẽ là không cần thiết. Ngược lại, nếu Quyết Định Giải Quyết không thoả đáng hoặc không được doanh nghiệp giải quyết, người lao động có quyền nộp đơn khiếu nại lần hai đến cho Chánh Thanh Tra Lao Động để giải quyết. Thông thường thời gian giải quyết khiếu nại ở Chánh Thanh Tra Lao Động sẽ mất khoảng 45-60 ngày kể từ ngày Chánh Thanh Tra Lao Động thụ lý đơn khiếu nại của người lao động.
Để hồ sơ khiếu nại được Chánh Thanh Tra Lao Động thụ lý, hồ sơ khiếu nại phải bao gồm cả tài liệu chứng minh doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết khiếu nại không thoả đáng, tức là người lao động cần phải thu thập các bằng chứng để làm cơ sở cho Chánh Thanh Tra Lao Động biết người lao động đã thực hiện khiếu nại tại doanh nghiệp chủ quản.
Mặc dù vậy việc giải quyết khiếu nại dù ở doanh nghiệp chủ quản hay là Chánh Thanh Tra Lao Động đều diễn ra rất nhanh chóng và là nơi đều cả hai trình bày quan điểm của mình. Đối với việc giải quyết tại Chánh Thanh Tra Lao Động, Chánh Thanh Tra Lao Động sẽ có những buổi gặp riêng đối với từng bên để nắm bắt tình hình và sau đó để người lao động và doanh nghiệp chủ quản gặp nhau để trình bày về các nội dung khiếu nại và hưởng giải quyết của nhau trước khi Chánh Thanh Tra Lao Động ra quyết định giải quyết khiếu nại cho người lao động.
Việc giải quyết khiếu nại ở Chánh Thanh Tra cũng không mang tính nặng nề, áp lực cao cho cả người lao động và doanh nghiệp chủ quản như việc thực hiện việc giải quyết tranh chấp ở toà án hay trọng tài lao động. Thực tế mọi việc có thể suôn sẻ và sớm kết thúc trong thời gian khoảng từ 2 – 4 tháng và sẽ không kéo dài ít nhất sáu (6) tháng đến vài năm như ở Toà án hoặc trọng tài lao động, chưa kể việc giải quyết tranh chấp ở Toà án hoặc trọng tài lao động có một số trường hợp phải trải qua việc giải quyết tranh chấp ở hoà giải viên lao động là điều kiện tiên quyết trước khi được toà án hoặc trọng tài lao động chấp nhận thụ lý hồ sơ.
Vướng Mắc Khi Khiếu Nại Lao Động Đến Chánh Thanh Tra Lao Động
Ngoài việc đã trình bày về một số khó khăn mà người lao động gặp phải ở trên, có một số người lao động làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp ở tỉnh hoặc thành phố khác cách xa so với tỉnh hoặc thành phố nơi trụ sở chính của doanh nghiệp đặt địa chỉ, chẳng hạn như, người lao động làm việc tại chi nhánh doanh nghiệp ở Hà Nội, nhưng trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh, không thể thực hiện việc khiếu nại lao động tại Chánh Thanh Tra Lao Động nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc địa điểm kinh doanh nơi mình làm việc (tức là Hà Nội) mà phải nộp đơn khiếu nại Chánh Thanh Tra Lao Động Thành phố Hồ Chí Minh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
Để thực hiện được quyền lợi khiếu nại này, người lao động phải tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia các buổi làm việc, phiên họp, đối thoại,… theo thủ tục khiếu nại lần hai tại Chánh Thanh Tra Lao Động Thành Phố Hồ Chí Minh. Đổi lại, kết quả giải quyết khiếu nại lao động có thể không được như kỳ vọng của người lao động bởi nếu có thắng thì họ cũng đã mất quá nhiều, thậm chí có trường hợp người lao động hoàn toàn bất lợi trong việc đòi quyền và lợi ích của mình khi doanh nghiệp chủ quản là các doanh nghiệp lớn và có khả năng chi phối lên quyết định của Chánh Thanh Tra Sở Lao Động.
Vì vậy, trong trường hợp người lao động làm việc tại các chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện khi xảy ra tranh chấp, họ sẽ thường chọn cách là từ bỏ quyền khiếu nại lần hai lên Chánh Thanh Tra Lao Động hoặc chuyển sang khởi kiện tại các tòa án có thẩm quyền. Điều này không chỉ tạo ra sự bất hợp lý trong việc đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của người lao động mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ đối với nhân viên của mình.
Kiến Nghị Tháo Dỡ Khó Khăn
Việc trao quyền cho Chánh Thanh Tra Lao Động tại nơi có chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc địa điểm kinh doanh giải quyết khiếu nại lần hai là giải pháp hiệu quả khi mà thông tin cũng như thủ tục hành chính hầu hết đã được số hóa trên trang điện tử của các cơ quan nhà nước, cho phép Sở, Ban ngành các địa phương dễ dàng nắm bắt tình hình của doanh nghiệp và người lao động. Trong một số trường hợp phức tạp, Chánh Thanh Tra Lao Động các địa phương cũng có thể cùng nhau phối hợp để giải quyết nhanh chóng khiếu nại cho người lao động.
Việc phát huy tối đa vị thế của Chánh Thanh Tra Lao Động trong giải quyết khiếu nại lao động là điều cần thiết để giảm bớt gánh nặng lên tòa án, tránh gây lãng phí nguồn lực Nhà nước. Như vậy về lâu dài, các quy định liên quan đến thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng Chánh Thanh Tra Lao Động nơi chi nhánh, địa điểm kinh doanh, hoặc văn phòng đại diện của doanh nghiệp đăng ký làm địa chỉ văn phòng được quyền giải quyết khiếu nại lần hai để người lao động có cơ sở đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại cũng như nâng cao hiệu quả giải quyết so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác.
Nếu có bất kỳ nội dung nào cần trao đổi thêm, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua finnnguyen@ivlf-lawyer.com hoặc www.ivlf-lawyer.com